
Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Hình ảnh Bác luôn được bạn bè quốc tế trân trọng, tôn vinh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: TTXVN
Từ góc nhìn của những nhà báo quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, Người còn là một nhà cách mạng kiên cường, nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc, tấm gương đạo đức sáng ngời.
Tạp chí "Ngọn lửa nhỏ" của Liên Xô số ra ngày 23.12.1923 chỉ ra: “Nguyễn Ái Quốc… đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
Tuần báo “Đây Paris” của Pháp số ra ngày 18.6.1946 nhấn mạnh: “Chủ tịch nước Việt Nam là một người giản dị quá đỗi. Quanh năm ông chỉ mặc một bộ quần áo kaki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý, nói với ông rằng với địa vị ông ngày nay, nhiều khi phải mặc cho được trang trọng, thì ông chỉ mỉm cười trả lời: “Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần đang rét run trong thành phố và các vùng quê?”.
Báo Akahata - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản - số ra ngày 5.9.1969 có đoạn: “Điều đáng ngạc nhiên là khi họp Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân ở Mátxcơva đầy tuyết với trang phục như vậy, vẫn với đôi dép caosu đàng hoàng đi vào Điện Kremlin, hoàn toàn như một nông dân Việt Nam chất phác… Những điều trên đây làm tôi thực sự hiểu được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh được hơn 30 triệu dân Việt Nam ở cả 2 miền Nam, Bắc tôn kính, tin cậy và thương yêu vô hạn”.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong thời hiện đại. Trong chia sẻ năm 2024 với TTXVN, Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam, hết sức ngưỡng mộ Bác Hồ, đặc biệt ấn tượng với phong thái giản dị, khiêm nhường và gần gũi của Người. Theo Tiến sĩ, tư tưởng nhân văn và tiến bộ vượt bậc của Người không chỉ sống mãi trong trái tim của muôn triệu người Việt Nam "mà còn vượt ra ngoài biên giới Việt Nam và có tầm ảnh hưởng lớn lao đối với toàn nhân loại".
Từ góc nhìn của giới học giả phương Tây, sử gia người Anh John Callow nhận định, khó có thể hình dung sự nghiệp giải phóng dân tộc hay con đường độc lập của Việt Nam mà không có sự hiện diện và dấu ấn cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông đặc biệt lưu ý, tính thích ứng là một trong những “bí mật” đằng sau sự vĩ đại của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Người luôn ý thức rõ việc học hỏi những điều mới mẻ, tích cực từ phương Tây để nâng tầm văn hóa Việt Nam song vẫn gìn giữ bản sắc truyền thống.
Mới đây nhất, trong buổi gặp gỡ hữu nghị tại Thủ đô Brasilia, Brazil tháng 4.2025, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Brazil - Việt Nam (ABRAVIET) Pedro de Oliveira chia sẻ quan điểm sâu sắc về Tư tưởng Hồ Chí Minh - nhân vật mà ông gọi là “ngọn hải đăng đạo đức và cách mạng của thế kỷ 20".
Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của sự kết hợp hài hòa giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và cách mạng. Người đã vượt qua những ranh giới tưởng như không thể xóa nhòa để gắn kết nhân loại bằng lòng nhân ái, trí tuệ và khát vọng tự do.
Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu như giới nghiên cứu quốc tế ca ngợi Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, thì những người dân bình thường không bao giờ quên những kỷ niệm xúc động khi được gặp Bác với niềm kính yêu vô bờ. Theo TTXVN, khi nhớ lại kỷ niệm được gặp và được Bác hỏi chuyện khi Người ra sân bay đón Nguyên soái Liên Xô Kliment Yefremovich Voroshilov đến thăm Việt Nam năm 1957, bà Vương Phong - con gái của cố nhà báo Vương Duy Chân, nguyên Trưởng Phân xã Tân Hoa xã (Trung Quốc) tại Hà Nội - lại bồi hồi, xúc động. “Anh hùng dân tộc, vĩ đại, cao quý, giản dị, râu tóc bạc phơ, ánh mắt hiền từ” là những từ đã in sâu trong tâm trí "bé gái" người Trung Quốc nay đã ngoài 70 tuổi.
"Bác Hồ nhìn thấy tôi và kéo tôi ra khỏi hàng người chào đón. Bác hiền từ, nhẹ nhàng và nói chuyện với tôi một cách thân mật như người ông nói chuyện với cháu. Sau đó, Bác hỏi tôi: “Cháu có thích Việt Nam không?”. Tôi trả lời: “Cháu rất thích ạ!”. “Cháu có biết nói tiếng Việt không?”. Tôi lại trả lời: “Cháu có ạ!”. Thế là tôi liền nói luôn mấy câu mà tôi biết: “Bạn ăn cơm chưa? Tôi ăn cơm rồi. Chào đồng chí!". Bác đã cười lớn. Một vị anh hùng vĩ đại, một vĩ nhân như vậy, lại rất bình dị như vậy. Khi đó tôi có cảm giác rất là hạnh phúc" - bà Vương nhớ lại. Bà xúc động chia sẻ: "Cho đến tận bây giờ đối với tôi vẫn không bao giờ có thể quên được" cảm giác khi được gặp vị anh hùng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam.
HÀ LIÊN
Nguồn: https://laodong.vn/the-gioi/chu-tich-ho-chi-minh-mai-trong-tim-ban-be-the-gioi-1505978.ldo